Hội thảo khoa học tháng 4/2022 của khoa Du lịch và Khách sạn với chủ đề: “ Những biến đổi của du lịch nội địa và giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa thời kỳ hậu COVID-19”

Thứ bảy - 14/05/2022 12:03
Được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường, sáng ngày 27/4/2022, Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề “Những biến đổi của du lịch nội địa và giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa thời kỳ hậu COVID-19”.
Hội thảo khoa học tháng 4/2022 của khoa Du lịch và Khách sạn với chủ đề: “ Những biến đổi của du lịch nội địa và giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa thời kỳ hậu COVID-19”

Du lịch Việt Nam đã trải qua những thời điểm khó khăn nhất do dịch bệnh, khiến số lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước đều sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, với những thay đổi tích cực của tình hình Covid bao gồm việc tiêm phủ vac-xin và các chính sách khuyến khích du lịch của Nhà Nước, Việt Nam đã và đang trở lại là một điểm đến an toàn cho khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay khách du lịch quốc tế vẫn còn rất e ngại cho việc chi tiêu cho mảng du lịch do những vấn đề về kinh tế như lạm phát, chiến tranh Nga – Ukraina,… chính vì vậy, trong thời gian ngắn tới, nguồn thu chủ yếu của du lịch Việt Nam vẫn sẽ đến từ khách du lịch nội địa – mảng chính đã gồng gánh cả ngày trong suốt 2 năm qua.

Do đó, bài toán đặt ra là làm sao để thúc đẩy du lịch nội địa tiếp tục bứt phá? Làm sao để nắm bắt được các xu hướng thay đổi trong du lịch nội địa thời kỳ hậu Covid? Các doanh nghiệp du lịch cần nhận thức và thay đổi như nào để kịp phản ứng với những thay đổi này? Yếu tố công nghệ đóng vai trò như nào trong sự thay da đổi thịt này của ngành?
 

Vào hồi 08h00 ngày 27/4/2022, Khoa Du lịch và Khách sạn đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Những biến đổi của du lịch nội địa và giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa thời kỳ hậu COVID-19” nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch nhìn lại những hạn chế, tìm ra cơ hội trong thách thức và có các giải pháp, xu hướng để có sự thay đổi cho phù hợp.
 

Hội thảo có sự tham gia của Ths. Nguyễn Thị Thu Hường - đại diện Phòng Khoa học và Công nghệ, các khách mời, toàn thể giảng viên trong Khoa cùng đông đảo các em sinh viên. Mở đầu, Ths. Nguyễn Ngọc Minh - Phó trưởng Khoa, phụ trách Khoa Du lịch và Khách sạn phát biểu khai mạc. Hội thảo có sự tham gia bởi các tham luận chuyên sâu:

Chuyên đề 1: Tiềm năng phát triển du lịch MICE thời kỳ hậu Covid của Cô ThS.Trần Tuệ An – Giảng viên khoa Du lịch & Khách sạn

Đại dịch Covid đã có tác động nặng nề tới hoạt động của ngành du lịch.  Lượng khách du lịch quốc tế cũng như khách nội địa có sụt giảm nghiêm trọng. Covid tác động một cách sâu rộng tới mọi hình thức du lịch, mọi cách thức trải nghiệm du lịch và du lịch MICE không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, với tiềm năng và xu hướng phát triển du lịch MICE của các quốc gia trong khu vực, thì du lịch MICE của Việt Nam sẽ có cơ hội mới trong thời kỳ hậu COVID nếu các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội và giải pháp.
 

Chuyên đề 2: Thực trạng du lịch Việt Nam trong thời kỳ tác động của Covid-19 và giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa - Tác giả: Nguyễn Đức Tuấn/ Trưởng phòng kinh doanh – công ty CP Du lịch Haydi

Du lịch nội địa đã không còn là cứu cánh duy nhất vì giờ đây du khách Việt Nam đã có thể đi du lịch tại một số quốc gia trên thế giới và du khách quốc tế cũng đã quay trở lại Việt Nam sau một thời gian dài đóng cửa các chuyến bay thương mại và hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài. Những chuyển biến tích cực trên đã và đang ảnh hưởng như thế nào đối với ngành Du lịch Việt Nam và những nỗ lực, biện pháp cần thiết nào để đạt được hiệu quả cao hơn trong xu hướng đón đầu sự quay trở lại của thời kỳ phục hồi và phát triển du lịch. Các xu hướng mới của du lịch nội địa hậu Covid:

  • Du lịch cuối tuần
  • Du lịch tại địa phương
  • Du lịch chăm sóc sức khoẻ
  • Du lịch hạng sang
  • Du lịch xanh đến những nơi hoang sơ

Chuyên đề 3: Chuyển đổi số trong du lịch thời kỳ hậu Covid - Tác giả: Ông Quốc Vinh - Giám đốc, công ty TNHH dịch vụ lữ hành và sự kiện F

Trong vài năm qua, cụm từ “chuyển đổi số trong du lịch” đã được nhắc đến nhiều hơn và ngày càng nhiều hơn. Không thể phủ nhận rằng chuyển đổi số đang làm thay đổi cơ bản mô hình và cách thức hoạt động của một tổ chức, doanh nghiệp trên cơ sở tận dụng công nghệ số hiện đại để tạo ra những cơ hội và giá trị mới. Theo nghiên cứu của tập đoàn Microsoft về tác động kinh tế của chuyển đổi kỹ thuật số tại Châu Á Thái Bình Dương, năm 2017, các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số đã mang lại 6% GDP cho khu vực này. Dự báo đến năm 2021, con số này sẽ tăng nhanh lên 60%. Báo cáo cũng cho biết trong 3 năm tới, 89% việc làm trong khu vực sẽ được chuyển đổi.

Sức lan tỏa mạnh mẽ của Công nghiệp 4.0 với sự ra đời của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, blockchain, thực tế ảo (VR)... đang tác động sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó từng bước thay thế phương thức hoạt động truyền thống sang hoạt động trong môi trường số. Và ngành du lịch lữ hành cũng không ngoại lệ. Chuyển đổi số, hay nói cách khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch là một trong những yếu tố sống còn, là giải pháp tối ưu với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đại dịch. Chính vì vậy, tác giả xin trình bày một số quan điểm của mình về “Chuyển đổi số trong du lịch - Những vấn đề thực tiễn triển khai tại địa phương”.

Chuyên đề 4: Những đổi mới để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh bình thường mới - Tác giả: Th.s Phạm Xuân Phú – Giảng viên khoa Du lịch & Khách sạn

Bài tham luận với đề tài: “Những đổi mới để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh bình thường mới”  tập trung tới 03 vấn đề chính, đó là sự đổi mới cần thiết trong công tác thị trường, sản phẩm cũng như giải quyết những khó khăn về nguồn nhân lực trong bối cảnh bình thường mới, nhằm đáp ứng nhu cầu và xu thế của thị trường sau biến cố đại dịch.

Chủ đề 5: Khó khăn cho ngành du lịch Việt Nam và giải pháp phục hồi sau Covid 19 - Tác giả: Th.s Phạm Thị Ngoan- Khoa Du lịch và khách sạn - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp

Tham luận chỉ ra các khó khăn mà ngành du lịch Việt Nam gặp phải thời kỳ hậu Covid19 bao gồm: Hơn 2 năm nay, du lịch quốc tế đóng cửa, du lịch nội địa cũng chưa thể mở lại hoàn toàn khiến toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch ngưng trệ, “đóng băng” nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, khu nghỉ dưỡng… Hàng triệu hướng dẫn viên du lịch, người lao động trực tiếp, gián tiếp trong ngành không có việc làm, không có thu nhập; nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú cạn kiệt nguồn lực phải giải thể… Lượng khách quốc tế chỉ có vào thời điểm tháng 1 và 2, từ tháng 3 hầu như không có khách. Khách du lịch nội địa cũng giảm mạnh do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội. Doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn khiến không ít nhân viên ngành Du lịch mất việc làm giảm, thậm chí không có thu nhập…
 

Tình hình hoạt động du lịch của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2020

Nhóm các giải pháp tham luận đưa ra bao gồm:

  • Một là, hỗ trợ đến từ Chính phủ và bộ máy quản lý Nhà nước cần có những chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch như: Miễn thuế giá trị gia tăng cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch, giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ…
  • Hai là, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường.
  • Ba là, Xây dựng những sản phẩm khuyến khích khách nội địa tốt hơn và linh hoạt hơn; xây dựng sản phẩm du lịch trọn gói, các gói (combo) thiết kế sẵn dành cho các nhóm nhỏ hoặc du lịch gia đình cũng sẽ là một trong những lựa chọn tối ưu của du khách.
  • Bốn là, các doanh nghiệp tranh thủ thời gian hoạt động du lịch bị đình trệ để điều chỉnh lại cách hoạt động, chiến lược kinh doanh, nghiên cứu nhu cầu thị trường để có những sản phẩm du lịch phù hợp có chất lượng; đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực trên toàn hệ thống chuẩn bị cho đón đầu xu hướng du lịch mới; đồng thời tích cực liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để tạo nên sức mạnh.
  • Năm là, ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ khách hàng đặt dịch vụ an toàn, hạn chế tiếp xúc với nhóm người lạ. Những hoạt động này đem lại sự đảm bảo an toàn cho các đoàn khách khi tận hưởng thời gian du lịch, nghỉ ngơi.
Ths. Nguyễn Ngọc Minh đã phát biểu tổng kết và đánh giá cao nội dung của các tham luận cũng như ghi nhận sự tích cực trao đổi của giảng viên, sinh viên, khách mời. Đồng thời, động viên các giảng viên trong khoa tiếp tục duy trì và mở rộng hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa trong năm học tới.

Thay mặt Khoa, Ths. Nguyễn Ngọc Minh cảm ơn sự tham dự của đại diện Phòng KHCN, các khách mời, các thầy cô cùng toàn thể các em sinh viên. Hội thảo đã được tổ chức thành công tốt đẹp và bế mạc vào hồi 11h40 cùng ngày.
 

Nguồn tin: Ban TT Khoa Du lịch và Khách sạn Uneti

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây