Giải đáp các câu hỏi liên quan đến ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành

Thứ sáu - 15/03/2024 00:17
Dưới đây là một số câu hỏi các bạn học sinh hay quan tâm
Ngành QTdvdllh
Ngành QTdvdllh

1. Thầy, Cô cho em hỏi: Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là gì?

Chào em!

Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (tiếng Anh là Tourism and Hospitality Management) là ngành học bao gồm các hoạt động liên quan đến quá trình quản lý và điều hành du lịch. Đồng thời, đào tạo khả năng phân công công việc cho các hướng dẫn viên du lịch, thiết kế chương trình du lịch, nhận thông tin để phối hợp với các bộ phận, cơ quan chức năng đưa ra các phương án giải quyết những tình huống diễn ra trong quá trình tổ chức.

Chúc em thành công!

2. Thầy (cô) cho em hỏi: Học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có khó không?

Chào em!

Trên thực tế, mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực trong cuộc sống đều có những cái khó cái dễ riêng và “không có con đường nào trải đầy hoa hồng”. Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là một ngành nghề đòi hỏi có sự hiểu biết sâu rộng, khả năng giao tiếp, thuyết trình, nắm bắt tâm lý khách hàng cũng như tổ chức, quản lý, sắp xếp công việc và xử lý tình huống tốt song tất cả những kiến thức và kỹ năng này các em đều có thể tích lũy được khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Do vậy, mọi thứ không quá căng thẳng đâu em nhé, ngành học này không hề khó, chỉ cần em chú tâm là em sẽ làm tốt, chỉ cần em có đam mê, yêu công việc là em có thể thành công trong nghề.

Chúc em thành công!

3. Thầy (cô) cho em hỏi: Để học tập và thành công trong ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đòi hỏi người học phải có những tố chất gì?

Chào em!

Để học tập và thành công trong ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, người học cần có những tố chất sau: Yêu thích sự di chuyển đến những vùng đất mới, khám phá những điều mới lạ; Sự năng động, sáng tạo, vui vẻ; Phong thái tự tin, giao tiếp tốt; Trình độ ngoại ngữ tốt; Sức khỏe dẻo dai; Luôn muốn học hỏi và tìm tòi các kiến thức văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lý sâu rộng; Có năng khiếu tổ chức, quản lý, sắp xếp công việc một cách khoa học. Và điều quan trọng nhất đó là xuất phát từ ý thức của em, thực sự “yêu nghề”, có đam mê, có quyết tâm và sự cố gắng thì em sẽ thành công.

Chúc em thành công!

4. Thầy (cô) cho em hỏi: Theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp chúng em được học những gì?

Chào em!

Tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, khi theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, sinh viên sẽ được cung cấp những kiến thức về nhiều lĩnh vực như: Tổng quan du lịch, Kinh tế du lịch, Địa lý du lịch, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Quản trị kinh doanh lữ hành, Tâm lý du khách và giao tiếp du lịch, tập quán của du khách trong nước và quốc tế, các kỹ năng nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch, thiết kế tour, quản lý và điều hành tour, thiết kế và quản trị sự kiện du lịch… Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị các kỹ năng quản lý, điều hành và giám sát các nghiệp vụ cơ bản trong các đơn vị kinh doanh du lịch, tham gia điều chỉnh và thực hiện các chiến lược, dự án, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như các chính sách tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, thực hiện các nghiên cứu độc lập có tính thực tiễn trong du lịch, tham gia nghiên cứu khoa học, giảng dạy về du lịch.

Chúc em thành công!

5. Thầy (cô) cho em hỏi: Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp đào tạo những kiến thức, kỹ năng gì ạ?

 Chào em!

Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp đào tạo cho người học những kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động như:

- Kiến thức tổng quát về kinh tế, văn hóa, xã hội liên quan đến dịch vụ du lịch, lữ hành và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực Quản trị lữ hành và Quản trị khách sạn. Theo đó, người học sẽ có vốn hiểu biết sâu rộng về địa lý, kinh tế, văn hóa, ẩm thực…

- Thành thạo kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng quan sát và nắm bắt tâm lý khách hàng, kỹ năng tổ chức, quản lý, sắp xếp công việc; kỹ năng ứng xử và giải quyết tốt các vấn đề thuộc lĩnh vực Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành nội địa và quốc tế; có năng lực nghiên cứu khoa học du lịch để áp dụng vào thực tiễn; có năng lực tư duy phản biện tốt và kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả. Từ đó, người học linh hoạt trong ứng xử để có thể giải quyết tốt những mâu thuẫn phát sinh trong công việc. Đồng thời, người học được trang bị kỹ năng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin do đây là công cụ đắc lực để kết nối thế giới, giao lưu văn hóa trong xu thế hội nhập xã hội như hiện nay, đóng vai trò quan trọng giúp người học tiến gần hơn đến thành công.

Chúc em thành công!

6. Thầy (cô) cho em hỏi: Học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, em được trang bị những kỹ năng mềm nào?

Chào em!

Dù làm việc ở bất kỳ lĩnh vực nào đi chăng nữa, em cũng cần có những kỹ năng nhất định để gắn bó và phát triển với nghề. Với tính chất công việc cần tiếp xúc và làm việc đa dạng các đối tượng khách hàng nên khi học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, sinh viên được trang bị những kỹ năng mềm phù hợp để có thể dễ dàng tiếp cận với công việc thực tế ngay sau khi tốt nghiệp như: Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng thuyết trình; Kỹ năng ngoại ngữ; Kỹ năng giải quyết vấn đề và xử lý tình huống phát sinh; Kỹ năng tổ chức và làm việc theo nhóm; Kỹ năng kiểm soát cảm xúc; Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông. Vì vậy, em hoàn toàn có thể tự tin xin được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Chúc em thành công!

7. Thầy (cô) cho em hỏi: Học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, ngoài chương trình học lý thuyết, em được thực hành như thế nào?

 Chào em!

Trên thực tế ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và lữ hành là một trong những ngành thuộc khối khoa học xã hội vì vậy việc không thể tránh khỏi đó là sinh viên sẽ phải tiếp xúc với khối lượng lớn các kiến thức “toàn chữ”, có những phần bắt buộc phải nhớ. Tuy nhiên, cũng giống như các học phần khoa học tự nhiên, việc tiên quyết để nắm vững kiến thức đó là phải hiểu và được thực hành, vận dụng trong thực tế. Do vậy, nhà trường luôn chú trọng đầu tư toàn diện về cơ sở vật chất, học liệu nhằm tạo ra một môi trường học tập thuận lợi cho sinh viên tích lũy kiến thức chuyên môn. Đồng thời, hợp tác với doanh nghiệp trong việc tổ chức xây dựng chương trình cũng như phối hợp trong quá trình đào tạo. Khoa thường xuyên mời doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch tham dự các hội thảo khoa học, hội thảo định hướng nghề nghiệp, hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm thực tế nhằm giúp sinh viên hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, hình thành tác phong làm việc chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, ngay từ năm học thứ nhất, sinh viên đã được tham gia vào các chuyến đi thực tế, kiến tập hữu ích nhằm tham quan, trải nghiệm các dịch vụ, từ đó hiểu rõ hơn về nghề nghiệp của mình trong tương lai để có định hướng học tập và rèn luyện bản thân đáp ứng yêu cầu công việc. Trong các năm học sau đó, sinh viên được tham gia thực hành dưới sự hướng dẫn thực hiện của các cán bộ quản lý tại các bộ phận nghiệp vụ của các doanh nghiệp đối tác.

Chúc em thành công!

8. Thầy (cô) cho em hỏi: Học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, chúng em có cơ hội thực tập ở đâu?

Chào em!

Với mục đích tăng cơ hội cho sinh viên được tiếp xúc, tham quan, thực tập, kiến tập, làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, Nhà trường luôn quan tâm tìm kiếm tạo lập và mở rộng mối quan hệ với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Do vậy, khi học ngành Quản trị dịch vụ và lữ hành tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, sinh viên sẽ được tham gia thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp đối tác như: Công ty Cổ phần Du lịch Công đoàn Nam Định; Công ty Cổ phần Du lịch Nam Định; Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Hà Nội - Hanoi Tourism, Công ty Cổ phần lữ hành đỉnh cao Châu Á; Công ty Cổ phần tập đoàn đẳng cấp Sao Việt; Công ty Cổ phần du lịch và dịch vụ Happy Go; Công ty cổ phần tập đoàn Flamingo, Công ty, khách sạn Novotel Hà Nội, Crowne Plaza Vĩnh Yên city center… Từ đó, giúp các em thích nghi nhanh với thực tiễn tại các doanh nghiệp ngay sau khi ra trường. Đồng thời, sinh viên có nhiều cơ hội gặp gỡ và tạo dựng mối quan hệ mới với đồng nghiệp, bạn bè và khách hàng. Chính điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Chúc em thành công!

9. Thầy (cô) cho em hỏi: Em nghe nói khi học đại học thì nên tham gia các Câu lạc bộ chuyên ngành để vừa giỏi chuyên môn lại vừa năng động. Vậy ở trường mình có Câu lạc bộ dành riêng cho sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành không ạ?

Chào em!

Khoa Du lịch và Khách sạn có Câu lạc bộ Creative Tourism Club (CTC) với mục tiêu bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cho sinh viên, giảm khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; đồng thời phối hợp với các tổ chức đào tạo uy tín tổ chức các khóa học kỹ năng ngắn hạn cho thành viên Câu lạc bộ như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết đơn xin việc, kỹ năng quản lý thời gian, làm việc nhóm… Bên cạnh đó, Câu lạc bộ thường xuyên hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài để tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu cơ hội nghề nghiệp, hành trang vào nghề. Em có thể tham gia Câu lạc bộ Hospitality and Tourism Uneti ngay sau khi em trúng tuyển và nhập học nhé!

Chúc em thành công!

10. Thầy (cô) cho em hỏi:Em nghe nói, học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tốn nhiều tiền vì phải đi thực tế đúng không ạ?

Chào em!

Mỗi ngành học đều có cần có sự đầu tư và đầu tư cho tương lai thì khó có thể nói “đắt hay rẻ” phụ thuộc rất lớn vào sự nhanh nhạy nắm bắt của mỗi người. Chỉ có những điều chúng ta phải trải qua trực tiếp mới là những bài học chúng ta nhớ lâu nhất. Học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành chúng ta sẽ được trải nghiệm nhiều hơn một chút, sớm hơn một chút. Hơn nữa mỗi một chuyến đi sẽ đem đến cho chúng ta những trải nghiệm, bài học khác nhau. Lựa chọn theo ngành là không thể thiếu những chuyến đi và hãy làm sao để cho những chuyến đi thực sự “đáng giá” em nhé!

Chúc em thành công!

11. Thầy (cô) cho em hỏi: Nếu em trúng tuyển vào ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường thì em có cơ hội để tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên không, em cần phải đạt những tiêu chí gì ạ?

Chào em!

Nghiên cứu khoa học là hoạt động thường niên và luôn được khuyến khích của Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp nhằm giúp sinh viên củng cố và hoàn thiện kiến thức lý luận, kiến thức xã hội cũng như rèn luyện những kỹ năng mềm quan trọng như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy độc lập, kỹ năng thuyết trình… Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như viết tiểu luận, báo cáo thực tập, làm khóa luận tốt nghiệp hay thực hiện những đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.

Người muốn làm nghiên cứu khoa học phải có những kiến thức nhất định về lĩnh vực nghiên cứu nhưng quan trọng nhất là sự đam mê học hỏi, tìm tòi, kiên trì theo đuổi hướng nghiên cứu đã lựa chọn. Chính vì thế, khi đã yêu thích và đam mê nghiên cứu khoa học, nếu trúng tuyển vào ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường, em hoàn toàn có thể tự tin tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên nhé!

Chúc em thành công!

12. Thầy (cô) cho em hỏi: Sau khi tốt nghiệp Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành thì chúng em sẽ làm gì?

Chào em!

Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, người học có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau như: Hướng dẫn viên du lịch, thiết kế tour, tổ chức sự kiện, hội nghị; Chuyên viên kinh doanh, phát triển các dịch vụ du lịch, khách sạn; Giám đốc điều hành, tổ trưởng bộ phận, quản lý bộ phận lập kế hoạch, điều phối nhân sự; Giảng dạy về Quản trị khách sạn, du lịch; Chuyên viên tại các Sở, Ban ngành về Du lịch…

Theo đó, người học có thể làm việc và nắm bắt cơ hội thăng tiến tại: Các doanh nghiệp, công ty du lịch, lữ hành trong và ngoài nước; Các khu du lịch, nghỉ dưỡng; Khu vui chơi, giải trí; Các công ty tổ chức sự kiện, truyền thông về du lịch; Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề có đào tạo Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Bộ phận du lịch ở các sở, ban, ngành.

Đồng thời, người học có khả năng học tập và nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp: tiếp tục học tập, nghiên cứu các chuyên ngành khác về lĩnh vực du lịch; Học cao hơn tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để nhận các học vị như thạc sĩ, tiến sĩ ngành Quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành, Du lịch học, Kinh tế, Quản trị kinh doanh và một số ngành gần khác.

Chúc em thành công!

13. Thầy (cô) cho em hỏi: Cơ hội việc làm với ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành như thế nào ạ, thu nhập ngành này cao không ạ?

Chào em!

Ngành Du lịch Việt Nam không ngừng tăng trưởng khi Việt Nam đang nổi lên là một địa điểm du lịch hấp dẫn trên thế giới với các danh lam thắng cảnh, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Với xu thế phát triển kinh tế mạnh mẽ hiện nay, trong tương lai Việt Nam có thể thu hút một lượng lớn khách du lịch bao gồm cả trong và ngoài nước.

Mỗi năm, ngành du lịch cần thêm khoảng 40.000 lao động để phục vụ cho các hoạt động ngành du lịch. Tuy nhiên, nguồn nhân lực qua đào tạo chỉ khoảng 15.000 lao động và chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu cần thiết cho các doanh nghiệp. Điều này cho thấy, ngành du lịch hiện nay đang rất khát lao động, đồng thời cũng mở ra cơ hội việc làm đa dạng cho các bạn trẻ đam mê ngành này trong tương lai. Như vậy, với tính ổn định và triển vọng của ngành nghề, cơ hội việc làm của ngành vô cùng đa dạng và tiềm năng nên em hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành nhé.

So với nhiều ngành nghề khác, du lịch được đánh giá là ngành có thu nhập khá lý tưởng. Theo nhiều kết quả thống kê được, mức lương trong ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành dao động từ khoảng 10 triệu – 30 triệu tùy thuộc vào vị trí công việc đảm nhiệm, loại hình doanh nghiệp hay năng lực của cá nhân … Để có một mức thu nhập tốt sau khi ra trường, trong thời gian còn ngồi trên giảng đường các em hãy không ngừng học tập, tích lũy kiến thức, năng lực chuyên môn và trau dồi các kỹ năng khác như tin học văn phòng, ngoại ngữ, tiếng anh chuyên ngành hay kỹ năng giao tiếp… Bởi đây chính là những yếu tố sẽ góp phần tăng cơ hội cho em có được một vị trí công việc tốt ngay sau khi ra trường.

Chúc em thành công!

14. Thầy (cô) cho em hỏi: Với tình hình dịch bệnh covid 19 còn phức tạp như hiện nay thì chúng em có nên học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành?

Chào em!

Tình hình dịch bệnh hiện tại chỉ là tạm thời chứ không phải là mãi mãi và tiềm năng phát triển ngành du lịch vẫn còn rất lớn. Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới năm 2019, Việt Nam nằm trong TOP 10 danh sách các quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Hơn nữa, Việt Nam là một trong những đất nước kiểm soát dịch rất tốt và được cả thế giới chú ý với hình ảnh điểm đến an toàn và thanh bình. Điều này mở ra cơ hội lớn đối với ngành du lịch khi thu hút các du khách nước ngoài. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có đủ nền tảng để phát triển sau Covid 19. Với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng du khách quốc tế lẫn nội địa cho thấy tương lai đầy hứa hẹn khi các chuyến bay dần được nối lại và du khách không ngần ngại chi cho các dịch vụ có chất lượng, kèm theo là nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng cao. Vì thế, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có thể tự tin đóng góp một phần sức trẻ của mình để cùng “Du lịch hồi sinh” em nhé!

 Chúc em thành công!

15. Thầy (cô) cho em hỏi: Học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đòi hỏi phải có ngoại hình đẹp đúng không ạ?

Chào em!

Trên thực tế, tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá năng lực của một người làm du lịch hay dịch vụ quan trọng nhất chính là kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ nên ngoại hình không ảnh hưởng đến cơ hội việc làm và khả năng thăng tiến. Vì vậy, theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành thì em hoàn toàn có thể yên tâm. Nếu em có định hướng làm Hướng dẫn viên du lịch thì có thể chăm chút nhiều hơn cho ngoại hình của mình tuy nhiên để đi xa với nghề thì em cần tập trung trau dồi kiến thức văn hóa, lịch sử, địa lý và liên tục cập nhật những thông tin mới để nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Điều này em có thể trau dồi trong quá trình học tập trên giảng đường đại học.

Chúc em thành công!

16. Thầy (cô) cho em hỏi: Học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đòi hỏi phải rất giỏi ngoại ngữ đúng không ạ?

Chào em!

“Học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có cần giỏi ngoại ngữ không?” thì câu trả lời chắc chắc là “Có” song đòi hỏi trình độ ngoại ngữ thành thạo ở mức độ nào lại tuỳ thuộc vào thị trường và công việc em muốn hướng đến. Nếu em hướng đến thị trường khách nội địa thì có thể tạm thời chưa cần nhiều đến ngoại ngữ nhưng nếu như muốn tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp thì việc biết ít nhất một ngoại ngữ là điều bắt buộc. Khi giỏi ngoại ngữ, em vừa có thể dẫn Tour Outbound vừa có thể dẫn Tour Inbound để tăng thêm thu nhập, phục vụ khách tốt hơn, mở rộng vốn hiểu biết vì vô hình chung khi học thêm một ngôn ngữ em cũng ít nhiều sẽ được tìm hiểu về văn hoá nước đó, được đi nhiều nơi hơn.

Chúc em thành công!

17. Thầy (cô) cho em hỏi: Người hướng nội có học được ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành không ạ?

Chào em!

Du lịch là ngành dịch vụ với cốt lõi chính là phải khiến khách hàng thực sự hài lòng. Sự tinh ý, biết lắng nghe và tư duy nhanh nhạy trước cảm xúc, nhu cầu của người khác là tố chất vô cùng quan trọng mà người làm du lịch cần có. Với ưu điểm kiên nhẫn, biết lắng nghe, thấu hiểu được nhu cầu của khách hàng, người hướng nội hoàn toàn có thể đăng ký và lựa chọn ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, chỉ cần có đam mê em nhé!

Chúc em thành công!

18. Thầy (cô) cho em hỏi: Con gái có nên theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành không ạ?

Chào em!

Không ít những ý kiến cho rằng Con gái không theo được ngành du lịch lâu dài do phải đi nhiều, tiếp xúc với nhiều đối tượng khách khác nhau, không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con gái thì không thể học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành vì em sẽ có rất nhiều lựa chọn trong sự nghiệp sau này của mình. Sau khi tốt nghiệp, em có thể lựa chọn các công việc văn phòng, ít đi lại nhiều như: thiết kế tour, tổ chức sự kiện, hội nghị; Chuyên viên kinh doanh, phát triển các dịch vụ du lịch, khách sạn; Giám đốc điều hành, tổ trưởng bộ phận, quản lý bộ phận lập kế hoạch, điều phối nhân sự; Giảng dạy về Quản trị khách sạn, du lịch; Chuyên viên tại các Sở, Ban ngành về Du lịch…

Chúc em thành công!

19. Thầy (cô) cho em hỏi: Trong quá trình đào tạo, Nhà trường có liên kết với các doanh nghiệp để những sinh viên có kết quả học tập tốt thuộc ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành được hỗ trợ việc làm không ạ?

Chào em!

Hiện nay, Khoa Du lịch và Khách sạn đang tích cực đẩy mạnh và triển khai liên kết với các doanh nghiệp thông qua việc tổ chức các hội thảo, hỗ trợ sinh viên đi thực hành, thực tập. Đây được xem là cơ hội đề sinh viên tiếp cận với thực tế. Qua đó, các em tìm được sự hỗ trợ cần thiết như học bổng, cơ hội việc làm bán thời gian để có thêm thu nhập đồng thời nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Sau khi tốt nghiệp, những sinh viên có kết quả học tập tốt sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Phòng tuyển sinh và truyền thông của Nhà trường để có thể tìm được công việc phù hợp cho mình tại các doanh nghiệp đối tác.

Chúc em thành công!

20. Thầy (cô) cho em hỏi: Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại trường có cao không ạ?

Chào em!

Chương trình đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của nhà trường luôn gắn với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội. Sinh viên sau khi ra trường sẽ có đủ các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, Nhà trường có Phòng tuyển sinh và truyền thông sẽ hỗ trợ giới thiệu việc làm cho sinh viên nếu có nhu cầu. Khoa Du lịch và Khách sạn triển khai nhiều hoạt động hợp tác doanh nghiệp, tư vấn và giới thiệu việc làm để giúp các em có điều kiện tiếp cận cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành sau khi ra trường sẽ luôn rộng mở.

Chúc em thành công!

21. Thầy (cô) cho em hỏi: Ưu điểm của Khoa Du lịch và Khách sạn tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp là gì?

Chào em!              

Cùng với chặng đường 66 năm phát triển của Nhà trường, đội ngũ giảng viên Khoa Du lịch và Khách sạn luôn tâm huyết với nghề, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, liên tục cập nhật phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, Khoa cũng có sự hợp tác chặt chẽ với nhiều giảng viên, chuyên gia là tiến sĩ, thạc sĩ ở các viện nghiên cứu, các Trường Đại học hàng đầu cùng lĩnh vực cũng như các doanh nhân và trưởng bộ phận nghiệp vụ của doanh nghiệp để hỗ trợ Khoa trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Với định hướng ứng dụng, Khoa xây dựng chương trình đào tạo theo hướng thực hành, tập trung đầu tư toàn diện về cơ sở vật chất, học liệu, kết nối đơn vị thực tập tại các doanh nghiệp nhằm tạo ra một môi trường học tập thuận lợi cho sinh viên tích lũy kiến thức chuyên môn, hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, hình thành tác phong làm việc chuyên nghiệp và có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Đồng thời, sinh viên có nhiều cơ hội gặp gỡ và tạo dựng mối quan hệ mới với đồng nghiệp, bạn bè và khách hàng. Chính điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Đến với Khoa Du lịch và Khách sạn, sinh viên sẽ được cung cấp đầy đủ những kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp; được kiến tập, thực tập nghề nghiệp tại các doanh nghiệp đối tác lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày từ năm đầu tiên. Ngoài ra, sinh viên còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa vui nhộn, bổ ích và trí tuệ tại Câu lạc bộ Creative Tourism Club (CTC) cũng như được trải nghiệm các chuyến đi thực tế, các chương trình du lịch đầy ý nghĩa do Khoa tổ chức để rèn luyện và phát triển kỹ năng mềm.

Thầy cô luôn mở rộng cánh cửa chào đón các em đến và trải nghiệm.

Chúc em thành công!

Nguồn tin: Phòng tuyển sinh Uneti::

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây